- KHOA CÔNG TRÌNH THỦY – ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
«-(¯`v´¯)-«::....Welcome to Công trình Thủy -:- Forever love you...::»-(¯`v´¯)-»

Thứ Ba, tháng 4 12, 2011

Hồ Chí Minh-Một cuộc đời... ..


Một trong những nhân vật lịch sử Việt Nam cận đại mà tên tuổi, đời tư, sự nghiệp, và hoạt động đã và đang trở thành đề tài của nhiều tranh cãi là Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đối với những người có suy nghĩ nghiêm túc, dù nhìn ở khía cạnh nào và dù có bất đồng ý kiến, người ta cũng công nhận một điều rằng ông là một trong những nhà hoạt động chính trị có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên trường chính trị quốc tế. Trong năm vừa qua, tờ tuần san Times đã bầu ông là một trong một trăm nhân vật của thế kỷ 20.



Nhưng trong suốt thời gian kể từ ngày Pháp và Mỹ tham chiến ở Việt Nam, cho đến ngày ông qua đời năm 1969, tiểu sử và cuộc đời của ông hầu như bị che đậy trong màn bí ẩn, huyền thoại. Trong một cuốn sách tiểu sử về ông Hồ, xuất bản vào năm 1967, Nhà báo người Pháp Jean Lacouture viết: "Tất cả mọi điều mà người ta từng nghe biết về cuộc đời ông Hồ trước năm 1941 là chắp vá, rời rạc, nằm trong vòng nghi vấn và phỏng đoán." Cộng thêm vào sự chấp vá là những thông tin thiếu trung thực do những người ái mộ ông và những người không ưa thích gì ông tung ra đã gây ra không ít ngộ nhận và gây nên tình trạng lẫn lộn thông tin. Một số người Cộng sản Việt Nam thì cố tình huyền thoại hóa về cuộc đời hoạt động của ông. Ngược lại, những người chống cộng hay chống lại đường lối ông Hồ đã theo đuổi thì tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc đời tư và sự nghiệp cách mạng của ông. Có lúc người ta phải lắc đầu không biết tin ai, và phải trông nhờ vào các học giả nghiêm túc gốc Tây phương để có một cái nhìn công bằng và khách quan hơn về ông Hồ.


Sự chờ đợi đó đã được đáp ứng bằng cuốn sách của William J. Duiker có tựa đề đơn giản là "Ho Chi Minh" mới vừa xuất bản vào cuối năm 2000. Đây là một cuốn tiểu sử đồ sộ, có tầm cỡ hàng đầu ở hải ngoại do một nhà sử học chuyên nghiệp biên soạn. Soạn giả đã bỏ ra 20 năm để thu thập thông tin về ông Hồ qua phỏng vấn, và góp nhặt tin tức từ các văn khố và hồ sơ tình báo của Pháp, Anh, Trung Quốc và Quốc tế Cộng sản, cho đến các văn thư lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội. Ông Duiker là một giáo sư sử học thuộc Trường Đại học Penn State (Mỹ). Ông chuyên nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á châu, và là tác giả của một số cuốn sách về chủ đề này.


Bài viết này chỉ có mục đích khiêm tốn là điểm qua vài nét chính về sự nghiệp cách mạng và một số vấn đề liên quan đến đời tư của ông Hồ. Vì là một bài điểm sách, bài viết chủ yếu dựa vào thông tin của ông Duiker trong cuốn sách vừa kể, và một số thông tin trong cuốn “Trong Cõi” (xuất bản ở California) của sử gia Trần Quốc Vượng.


Nguyên quán

Như nhiều người trong chúng ta biết, quê hương ông Hồ Chí Minh quê xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1863, bà Hà Thị Hy, vợ thứ hai của ông Nguyễn Sinh Vương (còn có tên là Nguyễn Sinh Nhậm) hạ sinh một người con trai, được đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc [1]. Vợ cả ông Vương đã chết trước đó vài năm sau khi hạ sinh một người con tên là Nguyễn Sinh Trọ. Năm Sắc lên bốn, cụ Nguyễn Sinh Vương qua qua đời. Ít lâu sau, bà Hà Thị Hy cũng qua đời. Vì thế, Sắc phải sống cùng người anh cùng cha khác mẹ, tức là Nguyễn Sinh Trọ.


Lúc còn nhỏ, Nguyễn Sinh Sắc nổi tiếng trong làng là một cậu bé người ham học, nhưng không có điều kiện tài chính để theo học. Thường thường, sau khi chăn trâu xong, Sắc đến học lén; tức là, đứng ngoài lớp học nghe thầy giảng bài. Tính ham học này được sự chú ý của một nhà nho: ông tú tài Hoàng Xuân Đường. Ông tú Đường xin ông Trọ để được nuôi nấng Sắc ở nhà mình, và ông Trọ đồng ý. Năm 1878, lúc 15 tuổi, Nguyễn Sinh Sắc chuyển về ở nhà của cụ tú Hoàng Xuân Đường.


Nguyễn Sinh Sắc lúc này càng biểu lộ là một người học giỏi, tinh thông kinh sử. Cùng lúc, Sắc đem lòng yêu người con gái đầu lòng của cụ tú Đường tên là Hoàng Thị Loan. Năm 1883, Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan (lúc đó chỉ 13 tuổi) được phép làm lễ thành hôn. Cụ Đường xây cho đôi uyên ương một căn nhà ba phòng kế bên nhà ông. Trong 7 năm kế tiếp, Hoàng Thị Loan hạ sinh ba người con: Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1884; Nguyễn Sinh Khiêm, 1888; và Nguyễn Sinh Cung (người sau này là Hồ Chí Minh), 1890.

Năm 1891, ông Nguyễn Sinh Sắc đi thi tú tài ở Vinh, nhưng ông bị trượt. Năm 1893, ông Hoàng Xuân Đường qua đời, và ông Sắc phải dọn cả gia đình về ở với mẹ vợ. Năm 1894, qua giỗ đầu cụ tú Đường, ông Sắc đi thi Hương, khoa Giáp Ngọ và đỗ cử nhân. Ông được nhận ruộng học điền ruộng công của làng Chùa dành cho những người có học (để khuyến khích việc học) để học thêmm, chứ không phải nhận ruộng học của làng Sen. Năm 1895, ông ra Huế tiếp tục đi thi khoa thi Hội, khoa Ất mùi, nhưng ông thi trượt. Ông quyết định dời gia đình vào Huế để tiện việc học hành và luyện thi. Thời đó, đường đi từ Nghệ An vào Huế là một đoạn đường khó khăn, thường tốn khoảng 1 tháng trời đi đường.


Vào tới Huế, ông Sắc lại tiếp tục thi vào năm 1898, nhưng lại trượt. Sau đó, ông nhận một việc làm thầy dạy học ở làng Duong No. Năm 1900, ông Sắc được bổ nhiệm làm Thư ký cho Hội đồng thi cử thuộc tỉnh Thanh Hoá. Ông quyết định cùng người con trai lớn là Nguyễn Sinh Khiêm đi ngược vào Thanh Hóa nhận nhiệm sở, Nguyễn Sinh Cung ở lại cùng mẹ ở Huế. Nhưng tai nạn gia đình xảy ra sau đó không lâu, sau khi bà Hoàng Thị Loan hạ sinh người con thứ tư tên là Nguyễn Sinh Xin, bà lâm trọng bệnh và qua đời ngày 10 tháng 2 năm 1901. Người hàng xóm còn nhớ lại lúc đó, Nguyễn Sinh Cung chạy cùng làng cầu cứu và xin sữa cho em. Khi nghe hung tin, ông Sắc lập tức vào Huế và mang con trở lại quê ngoại Nghệ An. Bé Xin yếu đuối và qua đời lúc 1 tuổi. Cậu bé Cung sống cùng với chị mình và bà ngoại, và theo học với một người bà con xa, cụ đồ Vương Thúc Đổ. Nguyễn Sinh Sắc trở lại Huế và lần này ông thi đổ Phó Bảng.


Phó Bảng là một học vị thấp hơn Tiến sĩ (xuất hiện ở Việt Nam từ thời vua Minh Mạng, 1830-1831), nhưng là một học vị có uy tín. Sau khi đỗ, dân làng Kim Liên cho ông mộ lô đất như một phần tưởng thưởng. Ông dùng lô đất này để cất một căn nhà, và một phòng tưởng niệm vợ mình, tức bà Hoàng Thị Loan. Đáng lẽ với học vị này, ông Sắc có thể ra làm quan, nhưng ông không có tham vọng này, và thay vào đó ông mở một trường dạy học trong làng. Tuy là một người thuộc giai cấp có học, ông Sắc vẫn nghèo, nhưng có lòng giúp người nghèo hơn mình. Với một thân thế và địa vị mới, Nguyễn Sinh Sắc lấy tên là Nguyễn Sinh Huy.


Với Nguyễn Sinh Cung, lúc 11 tuổi, ông Sắc quyết định đặt tên con là Nguyễn Tất Thành [2]. Lúc này, Nguyễn Tất Thành theo học với một người bạn của cha là ông Vương Thúc Quí, một người theo phong trào kháng chiến chống Triều đình Huế lúc bấy giờ. Qua ảnh hưởng của ông thầy này, Nguyễn Tất Thành bắt đầu viết luận văn mang tính yêu nước. Một trong những người thường hay ghé nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc uống rượu, bàn chuyện thế sự là cụ Phan Bội Châu. Những lúc như thế, Nguyễn Tất Thành thường đóng vai trò phục vụ trà nước, nhưng cũng để ý phục thầm sự uyên bác của cụ Phan Bội Châu.

Hoạt động cách mạng



Năm 1906, Triều đình Huế cho triệu mời ông Nguyễn Sinh Sắc, và ông lại phải ra Huế nhận chức Bộ Lễ vào tháng Năm, 1906. Nguyễn Tất Thành cùng anh theo học chương trình Pháp, thuộc Trường tiểu học Đông Ba, trong thời gian này. Năm 1907, Thành và anh là Khiêm cùng thi đỗ vào Trường Quốc học. Theo hồi tưởng của một số người cùng lớp học, Thành thường ngồi bàn sau cùng, ít nói, nhưng nổi tiếng là giỏi ngôn ngữ và hỏi toàn những câu hỏi hóc búa; và vì thế nhiều thầy giáo rất có cảm tình với Thành. Một người thầy trường này nhận xét Thành là một "học sinh thông minh và thực sự xuất sắc" ("an intelligent and truly distinguished student"). Nhưng Thành cũng là một đối tượng diễu cợt của bạn bè cùng trường vì lối ăn mặc quê mùa và giọng nói trọ trẹ nặng âm hưởng xứ Nghệ. Ban đầu, Thành không để ý, nhưng có một lần cậu ta nóng máu lên và tông vào mặt đối thủ mình một quả đấm!


Có lẽ qua ảnh hưởng của người thầy dạy tiếng Hoa tên là Hoàng Thông, Thành đã bắt đầu có nhiều ý nghĩ chính trị, từng phê phán chính quyền thuộc địa và Triều đình một cách công khai trước bạn bè. Ngày 9 thánng 5, năm 1907, một nhóm bạn học đứng nhìn nông dân biểu tình, Thành đột nhiên tóm cổ hai người bạn đi tình nguyện làm thông dịch cho đoàn biểu tình. Nhưng đoàn biểu tình bị cảnh sát Pháp chận lại và những người đi hàng đầu như Thành và hai bạn bị đánh nhiều lần. Sáng hôm sau, cảnh sát Pháp vào trường, nhận diện, và đọc lệnh đuổi Nguyễn Tất Thành ra khỏi Quốc Học.

Hành động của Nguyễn Tất Thành làm ảnh hưởng đến cha mình. Nhà cầm quyền bắt đầu để ý đến ông Nguyễn Sinh Huy. Mùa hè năm 1909, ông Nguyễn Sinh Huy được thuyên chuyển ra làm Tri huyện (magistrate) Bình Khê, thuộc tỉnh Bình Định. Thành và Khiêm bị theo dõi gắt gao. Khiêm sau này phạm tội mưu phản và bị cầm tù nhiều năm. Ngay cả bà chị cả là Nguyễn Thị Thanh còn ở Nghệ An cũng bị thẩm vấn.


Sau sự kiện ở Huế, tên tuổi Nguyễn Tất Thành nằm trong danh sách đen của cảnh sát; Thành không xin được việc làm và cũng chẳng có trường nào nhận vào để học. Sau khi lưu lại Bình Khê một thời gian ngắn, Thành ghé qua Qui Nhơn và tá túc tại nhà của ông Phạm Ngọc Thọ [3] , một người bạn cũ của ông Nguyễn Sinh Huy. Thông cảm cho hoàn cảnh của Thành, ông Thọ khuyên Thành nên bỏ tên này và ghi danh thi làm thầy giáo dưới tên sữa (Nguyễn Sinh Cung), nhưng vì lý do nào đó, một viên tỉnh trưởng hay biết được tung tích của Nguyễn Sinh Cung và cuối cùng, Thành không được phép thi. Sau đó, Thành lưu lạc xuống Phan Thiết, và trở thành thầy dạy học tại trường Đức Thành. Theo hồi tưởng của học sinh trường này, Thành là một người thầy rất nổi tiếng của trường, luôn đối xử tình nghĩa với học trò, không bao giờ đánh trò, và kính trọng đồng nghiệp. Thành dạy học trò những triết lý Tây phương như Voltaire, Montesquieu, Rousseau ... Tuy nhiên, đầu năm 1911, Nguyễn Tất Thành bí mật rời khỏi trường. Không ai biết lý do gì mà Thành rời trường, nhưng có thể trước đó (1910) Thành hay tin là thân phụ mình sắp vào Phan Thiết.


Về phần ông Nguyễn Sinh Huy, sau khi mới nhận nhiệm sở Tri huyện, ông rất được lòng dân với những hành động như tha những tù nhân đã tham gia biểu tình hay nông dân đòi đất đai, trừng trị bọn du côn, nhưng ông lại tỏ ra nhẹ tay với những người với những tội lặt vặt. Ông từng nói rằng thật là buồn cười tốn thì giờ đi trừng trị những người ăn cắp vặt trong khi nước nhà đã mất. Nhưng ông rất nghiêm khắc trong phán xử với người giàu có và quyền thế. Tháng 1, năm 1910, ông tuyên án một nhân vật có quyền thế ở địa phương 100 hèo. Khi người bị phạt chết sau đó ít ngày, thân nhân người này khiếu nại lên cấp trên, và ông Nguyễn Sinh Huy bị triệu hồi về Huế để xét xử. Ngày 19 tháng 5, năm 1910, Hội đồng xét xử ông có tội lạm dụng chức vụ và phạt đánh roi cùng với gián cấp 4 bậc. Nhưng vào tháng 8, có lẽ để khỏi mất mặt, Triều đình Huế giảm hình phạt xuống thành gián cấp và đuổi khỏi việc. Theo như bạn bè, ông Huy không hề tỏ ra quan tâm về việc mất chức vụ này. Ông trở lại Huế hành nghề dạy học để sinh sống. Tháng 1, năm 1911, ông đệ đơn xin đi Nam, nhưng đơn bị từ chối, có lẽ do nhà cầm quyền Pháp nghi ông dính dáng vào các hành vi chống chính quyền. Theo như báo cáo của cảnh sát Pháp viết lúc bấy giờ:


"Nguyễn Sinh [Sắc] ... bị tình nghi có đồng lõa với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và một số người khác. Hai năm về trước, con trai ông là một học sinh tại Đông Ba, đột nhiên biến mất. Có tin cho rằng hắn đang có mặt ở Nam phần. Nguyễn Sinh [Sắc] có lẽ có ý định nhập với hắn và hội ý với Phan Chu Trinh."


Ông Sắc không để ý đến việc đơn mình bị khước từ, và đi vào Đà Nẵng, và từ đó đáp tàu vào Sài Gòn, nơi mà ông tìm được việc làm qua dạy tiếng Hoa và bán thuốc Bắc.

Sau khi rời Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và ở trọ trong một nhà dựa gạo do ông Lê Văn Đạt làm chủ. Trong thời gian ở đây, Thành có liên lạc với cha mình. Thành đệ đơn xin theo học trường dạy nghề, nhưng nhà trường đòi hỏi phải trải qua 3 năm huấn luyện, Thành bỏ học và cùng với một đồng hường Nghệ An khác tên Hoàng bán báo dạo kể kiếm sống qua ngày. Trong thời gian này, Thành thường hay lui xuống bến cảng xem tàu bè qua lại. Ngày 2 tháng 6, một người thanh niên tự xưng là Ba đến tàu Admiral Catouche-Tréville xin việc làm. Thuyền trưởng Louis Edward Maisen quyết định nhận anh ta vào làm trong nhà bếp. Mùa hè năm 1911, tàu rời bến cảng Nhà Rồng trên đường đi Marseille, Pháp.


Hoạt động của Nguyễn Tất Thành sau khi rời Sài Gòn không được rõ ràng, và ít được ghi lại. Cuộc sống của công nhân trên tàu khá khắc khổ. Nguyễn Tất Thành đã ghi lại khá tỷ mỉ trong Hồi ký của mình. Sau khi ngừng lại ở Singapore, Colombo, và cảng Said, tàu Admiral Catouche-Tréville cập bến Marseille ngày 6/11/1911. Lần đầu tiên trong đời, Thành thấy được những văn minh của Tây phương, kể cả xe lửa. Và cũng lần đầu tiên trong đời, Thành được gọi là "Monsieur" trong quán cà phê ở Rue Cannebière. Anh ta viết: "Người Pháp ở Pháp lịch sự và tử tế hơn người Pháp ở Đông Dương." Thành còn khám phá ra sự nghèo nàn ở Pháp và tình trạng đĩ điếm. Anh ta viết một thư cho bạn, trong đó có đoạn: "Tại sao người Pháp không mở mang cho dân họ trước khi mở mang cho chúng ta?" Từ đó, ý chí cách mạng càng nung nấu thêm trong con người của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.


Trong những năm tháng sau đó, ông Hồ theo tàu đi qua Á châu, Phi châu, Mỹ châu (New York) và Âu châu. Ông Duiker cho biết ông Hồ lưu lại New York một thời gian, làm công và dự mít-tinh ở Marcus Garvey's Universal Negro Improvement Trust thuộc vùng Harlem. Khi sang Âu châu, ông Hồ làm nghề phụ bếp và sau này đầu bếp dưới tay nấu bếp danh tiếng Auguste Escoffier tại khách sạn Carlton ở London. Đến cuối Thế chiến thứ nhất, ông sang định cư ở Paris. Trong thới gian ở đây, ông sống bằng nghề sửa ảnh. Ở đây, thành lập một số hiệp hội người Việt hải ngoại và viết báo cũng như phát biểu tố cáo những hành vi tội ác của Pháp đối với các thuộc địa trong các cuộc họp hội của Đảng Xã hội Pháp. Năm 1919 ông đệ trình một kiến nghị đến Chính phủ Pháp ở Hội nghị Versailles, đòi hỏi Pháp phải thực thi nguyên lý của Tổng thống Woodrow Wilson về tự trị cho Việt Nam. Cảnh sát Pháp để ý theo dõi bảng kiến nghị và tác giả của nó “Nguyễn Ái Quốc”. Họ (cảnh sát) theo dõi ông Hồ mọi nơi, mặc dù Nguyễn Ái Quốc là một người viết không một xu dính túi, một thanh niên yếu đuối trong một bộ y phục rộng thùng thình giống như hình hài của ông vua hài Chaplin.


Qua cuốn sách “Ho Chi Minh”, William Duiker cho biết ông Hồ đến với chủ nghĩa Mác vào mùa hè năm 1920, qua một luận án của Lénin, “Luận về một số vấn đề liên quan đến quốc gia và thuộc địa” (Theses on the National and Colonial Questions). Trước đây, ông Hồ cũng từng đọc về thuyết của Mác, nhưng chỉ qua những lí giải minh bạch của Lenin mới đánh thức ông một cách mạnh mẽ, đã làm biến đổi ông từ một người yêu nước bình dị với khuynh hướng xã hội thành một nhà cách mạng Mác xít. Khi Đảng Xã hội Pháp bất đồng ý kiến về vấn đề có nên tham gia vào phong trào Thế giới thứ Ba của Lenin trong Đại hội năm 1921, ông Hồ trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp.


Đảng Cộng sản Pháp tỏ ra có khuynh hướng Âu châu, không mấy quan tâm đến các vấn đề thuộc địa ở Á châu như Việt Nam. Năm 1921, ông Hồ đi Moscow qua lời mời của Quốc tế Cộng sản (Comintern) để thuyết phục tổ chức này yểm trợ hoạt động của ông. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Xô Viết đang bận tâm với các vấn đề tranh chấp nội bộ, nên ông Hồ phải tiêu ra cả năm trời mới thuyết phục được họ gửi ông trở lại Trung Quốc hoạt động, nơi ông tổ chức được một liên minh, qui tụ được vài nhóm người Việt theo chủ nghĩa dân tộc và nhóm theo Cộng sản. Trong vòng 15 năm sau đó, ông Hồ hoạt động với vai trò một cán bộ cho Quốc tế Cộng sản.


Nhưng quan hệ giữa ông Hồ và Moscow không phải lúc nào cũng mặn mà, mà có lúc cũng gay go. Ông Hồ đặt nặng vào chủ nghĩa dân tộc và quan điểm chính trị này không hòa hợp được với quan điểm của lãnh đạo Quốc tế Cộng sản ở Moscow. Song, ông kiên tâm theo đuổi chương trình làm việc của mình, chờ đợi và vây lấy thời cơ thuận lợi. Ở Canton, ông Hồ làm báo và sáng lập ra Việt Nam Thanh niên Cách mạng Hội (Vietnamese Revolutionary Youth League) và tổ chức huấn luyện nhằm thu hút học sinh từ khắp mọi miền trong Việt Nam. Ngoài việc dạy chủ nghĩa Mác-Lê, ông còn dạy đạo đức cách mạng của riêng ông: tiết kiệm, thận trọng, trọng kiến thức, khiêm tốn, và khoan hồng, những đức tính xuất phát từ Khổng giáo hơn là từ Lenin. Đối với học sinh, ông Hồ là hiện thân của những đức tính này, và những châm ngôn này mà ông giảng dạy sau này trở thành những điểm đặc trưng của cách mạng Việt Nam.

Năm 1927, Tưởng Giới Thạch bắt đầu chiến dịch truy lùng những người thiên tả, và trung tâm huấn luyện của Hồ Chí Minh bị tan rã, và ông phải trốn qua Hồng Kông và từ đó đi Moscow. Sau đó, ông quay trở lại Pháp, và sau khi lưu lại Pháp một thời gian, ông đi Thái Lan, nơi mà ông đã lưu lại khoảng 2 năm để hoạt động cách mạng. Năm 1930, ông trở lại Trung Quốc và làm việc bí mật để trốn tránh cảnh sát Trung Quốc và mật vụ Pháp. Ông bị cảnh sát Anh bắt tại Hồng Kông, nằm tù một năm, và lại một lần nữa ra khỏi nhà tù để đi về lại Moscow. Nhưng lần này Moscow không giúp đỡ gì cho ông, vì lúc đó Stalin thanh trừng cán bộ. Ông Hồ không những bị kiểm điểm cá nhân, mà còn bị điều tra và cho ra ngoài lề.


Đến năm 1941, ông lại trở về Việt Nam sau 30 năm xa cách để xây dựng một căn cứ du kích ở vùng Bắc Việt. Năm 1945, 3 tháng sau khi Pháp bị Nhật đánh đuổi, và chỉ 2 ngày sau khi Nhật dầu hàng Đồng minh, Việt Minh tiến vào thủ đô Hà Nội cướp chính quyền giữa tiếng hoan hô của dân chúng, Hồ Chí Minh đọc lời tuyên ngôn nước Việt Nam độc lập.


Ông Duiker trình bày nhiều bằng chứng cho thấy ông Hồ không muốn chiến tranh với Pháp. Thực ra, ông Hồ tìm đủ mọi cách, mọi phương tiện để tránh chiến tranh. Ông từng ve vãn người Mỹ (qua các sĩ quan tình báo thuộc OSS) mà ông đã quen biết trong thời chiến tranh, ủng hộ chính phủ ông. Thậm chí, ông còn đánh tiếng là sẵn sàng cho Mỹ dùng Vịnh Cam Ranh cho hải quân Mỹ! Ông còn thành lập một chính phủ liên hiệp, đồng ý cho sự hiện diện của quân đội Pháp, và đồng ý làm thành viên của Liên hiệp Pháp, với điều kiện người Pháp tôn trọng và công nhận Việt Nam là một nước độc lập. Nhưng sau khi người Pháp bị thua trận vào Thế chiến thứ hai, ngay cả Đảng Xã hội Pháp cũng không có ý định bỏ cá thuộc địa; do đó, chiến tranh xảy ra và đầu năm 1947, ông Hồ quay trở lại thời du kích. Ông Hồ nói một câu đáng ghi nhớ với một người bạn ông là Jean Sainteny, là “Ông giết 10 đồng bào tôi, chúng tôi sẽ giết một đồng bào ông, nhưng cuối cùng ông sẽ là người kiệt sức.” Ông Hồ quả không sai.


Năm 1954, dưới sự áp lực của Trung Quốc và Liên Xô, ông Hồ và Việt Minh đồng ý ngưng chiến, và chia đôi Việt Nam thành hai nước lấy vĩ tuyến 17 làm điểm chia cắt. Theo điều kiện của bảng hiệp định Geneva, một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức hai năm sau đó để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, Trung Quốc và Liên Xô không bảo đảm cuộc bầu cử, Hoa Kỳ không chịu ký bảng hiệp định, và sau khi hội nghị chấm dứt không lâu, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ là John Foster Dulles tuyên bố rằng Mỹ sẽ nâng đỡ chế độ không-Cộng sản ở miền Nam. Theo quan điểm của những người cách mạng, Hội nghị Geneva là một bước đi đầu tiên cho một cuộc chiến ở Đông dương lần thứ hai.

Ở Hà Nội, ông Hồ sống một cuộc sống đơn giản như trong thời du kích. Dù là chủ tịch nước, ông từ chối cư ngụ trong dinh toàn quyền, và tự mình trồng vườn xây một căn nhà tranh bên cạnh cái ao nuôi cá. Ông thường xuất hiện trong bộ khaki bạc màu và đôi giày sandal cũ, nói chuyện với nông dân hay trẻ em. Đối với nhiều người quan sát thời sự Tây phương, điều này có vẻ như là một sự đóng lịch, hay giả tạo. Nhưng thực ra, ông là một người rất tinh tế, có khả năng quyến rũ, thu hút đối phương bằng ngôn ngữ lịch lãm và hành động ân cần. Ông Hồ muốn làm gương cho thế hệ sau ông là phải hành xử theo đạo đức cách mạng.


Tác giả Duiker còn cho thấy hình ảnh của một nhà ngoại giao Hồ Chí Minh. Vào thập niên 1950s và 1960s, ông Hồ thường đi nước ngoài để thương lượng và tranh thủ ủng hộ từ Xô Viết và Trung Quốc, ông phải “đi hàng hai” một cách tế nhị giữa hai cường quốc chia rẽ này. Tuy nhiên, sau này (sau kỳ cải cách ruộng đất 1955-56), vai trò của ông Hồ càng ngày càng mang tính nghi thức hơn là thực quyền. Thay vào đó là sự vai trò lãnh đạo của Lê Duẫn, người từng bị Pháp bỏ tù nhiều năm vì hoạt động cách mạng. Theo Duiker, chính Lê Duẫn có lúc còn lấn ép ông Hồ cùng những đồng chí lâu năm của ông (như Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Ông Duiker còn cho biết cải cách ruộng đất là một phong trào chịu ảnh hưởng sâu đậm của Trung Quốc. Vẫn theo Duiker, ông Hồ không trực tiếp dính dáng vào chiến dịch này, nhưng thanh thế của một lãnh tụ lo cho dân đã bị thiệt hại nghiêm trọng sau vụ cải cách tai tiếng và đẫm máu này.


Tác giả Duiker cho biết trong những năm đầu thập niên 1960, ông Hồ không muốn có chiến tranh với người Mỹ. Ngay cả khi Tổng thống Lyndon B. Johnson bắt đầu thả bom xuống miền Bắc, ông Hồ vẫn hi vọng Washington sẽ rút quân và ngưng ủng hộ chế độ ở Sài Gòn. Nhưng điều kì vọng này không thành sự thật. Khi quân đội Mỹ bắt đầu đến Việt Nam vào năm 1965, ông Hồ đã 75 tuổi và không còn kiểm soát chính phủ nữa.


Ngày 2 tháng 9 năm 1969 (tức ngày Quốc khánh, kỷ niệm 24 năm sau ngày ông Hồ tuyên bố Việt Nam độc lập), sau buổi ăn sáng và mít-tinh với một phái đoàn cựu chiến binh, đúng 9 giờ 45 phút (sáng), ông Hồ trút hơi thở cuối cùng. Ông bình thản ra đi. Tin Hồ Chí Minh qua đời được đón nhận với hàng trăm bài báo khác nhau trên khắp thế giới. Phân ưu từ các lãnh tụ thuộc 121 quốc gia trên thế giới gửi về Hà Nội. Nhà nước Liên Xô tuyên bố ông Hồ là “một đứa con vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng, là một lãnh tụ xuất sắc của quốc tế cộng sản và phong trào giải phóng quốc gia, và là một người bạn lớn của Liên Xô.” Một số nước xã hội chủ nghĩa tổ chức mặc niệm. Các lãnh tụ thuộc thế giới thứ ba ca ngợi và đề cao vai trò của ông Hồ trong việc bảo vệ những người bị áp bức. Một bài xã luận trên một nhật báo lớn Ấn Độ ca ngợi ông Hồ như là một tinh túy cho “nhân dân, là hiện thân cho nguyện vọng tự do, và đấu tranh trường kỳ”. Phản ứng của báo chí Tây phương cũng rất sôi nổi. Những người chống chiến tranh đã dành cho ông Hồ những lời phân ưu tốt đẹp. Ngay cả những người chống Cộng cũng dành cho ông Hồ một sự kính trọng đặc biệt. Nhưng phản ứng từ Mỹ là hoàn toàn im lặng: Tòa Bạch Cung cũng như các viên chức trong chính phủ của Nixon không bình luận gì cả.


Theo di chúc do chính ông viết, Hồ Chí Minh muốn được hỏa táng để tránh tốn tiền của công chúng, và tro ông nên được chôn khắp ba vùng Bắc Trung Nam [4]. Nhưng giới lãnh đạo miền Bắc Việt Nam lúc đó không theo ước nguyện này mà lại xây lăng cho ông ở giữa Quảng trường Ba Đình.


Theo Tác giả William Duiker, “Hồ Chí Minh là nửa Lenin, nửa Gandhi.” Có thể nói đây là một đúc kết sâu sắc và chính xác nhất về ông Hồ. Trong đời mình, ông Hồ luôn luôn tỏ ra mềm dẽo, thực tế, kiên nhẫn, và tìm cách đạt được mục tiêu của ông đàm phán, hay qua những phương pháp phi quân sự. Nhưng những đối phương của ông thì không kiên nhẫn và thích dựa vào quân sự và sức mạnh để giải quyết vấn đề.


Cuốn “Ho Chi Minh” còn giúp cho chúng ta trả lời một số câu hỏi về đời tư cá nhân của ông Hồ, mà từ bấy lâu nay, là mục tiêu của một chiến dịch chống cộng và chống ông Hồ. Có thể điểm qua một vài câu hỏi nổi cộm như sau:

Ngày tháng năm sinh

Một số người chống cộng cho rằng ông không có lý lịch rõ ràng, vì ngày tháng năm sinh của ông không nhất quán. Nhưng các nhà sử học có thể lấy những lý do hoạt động cách mạng của ông, phải lẫn tránh bọn mật thám và kẻ thù thực dân, để giải thích được sự thiếu nhất quán. Vả lại, đối với nhiều người cao tuổi ở Việt Nam, việc quên ngày tháng sinh là chuyện thường, vì người Việt, nhất là nông dân, không có truyền thống làm lễ sinh nhật, v.v...


Theo tiểu sử chính thức do Đảng Cộng sản Việt Nam phổ biến, Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5, năm 1890. Nhưng trong hai cuốn sách do chính Hồ Chí Minh viết thì ông chỉ đề năm sinh là 1890 (Canh Dần), chứ không đề cập đến ngày tháng sinh. Thêm vào đó là trong thời kỳ hoạt động chính trị, ông khai nhiều ngày sinh khác nhau. Hồ sơ trong kho lưu trữ của Đệ Tam Quốc tế cho thấy trong tờ khai lý lịch vào năm 1934, Nguyễn Ái Quốc ghi là sinh năm 1894. Trong tờ khai lý lịch vào năm 1938, Nguyễn Ái Quốc lại khai là sinh vào năm 1903. Trong một số hồ sơ khác, Nguyễn Ái Quốc đã từng đưa ra nhiều năm sinh khác nhau: 1891, 1892, 1893, và thậm chí 1903! Không ai biết tại sao Nguyễn Ái Quốc lại khai nhiều năm sinh khác nhau như thế, nhưng giới sử học đặt giả thuyết rằng có thể ông muốn đánh lạc hướng nhà cầm quyền lúc bấy giờ.


Nhưng theo một số nhà sử học Việt Nam thì năm 1894 có lẽ là đúng nhất (căn cứ vào lời khai của các hương chức xã Kim Liên, quê nội của Hồ Chí Minh, rằng: Nguyễn Sinh Cung sinh vào tháng 3 năm Thành Thái thứ 6 (theo âm lịch). Sự thật này đã có ghi rõ trong sổ đinh bạ của địa phương Kim Liên vào thời ấy. Và năm Thành Thái thứ 6 là năm 1894).


Tuy nhiên, giả thuyết sinh năm 1894 này không hợp lý mấy, vì dựa vào hành trình dài và gian khổ từ Nghệ An vào Huế cùng với gia đình ông vào năm 1895 (lúc đó cả gia đình phải đi bộ trong rừng qua vài tháng trời), thì một trẻ em 1 tuổi không thể nào cam chịu nổi. Do đó, phần đông các nhà sử học cho rằng năm sinh 1890 là hợp lý nhất.


Còn ngày sinh? Như đề cập trên đây, trong hai quyển hồi ký của mình Hồ Chí Minh không nói đến ngày tháng sinh. Vậy tại sao lại lấy ngày 19-5? Theo tin đồn ở Hà Nội thì sau khi cách mạng thành Tám (19 tháng 8 năm 1945) thành công, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định “tổ chức ngày lễ sinh nhật công khai trong toàn dân cho Hồ chủ tịch”; nhưng khi được hỏi thì ông Hồ nói là không nhớ rõ, nên ông Trường Chinh, có sự đồng ý của Tố Hữu, Phạm Văn Đồng, và Võ Nguyên Giáp đã quyết định lấy ngày 19 tháng 5 làm ngày sinh nhật cho Hồ Chí Minh. Ngày này cũng là ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941). Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh đây cũng chỉ là tin đồn, không có gì làm bằng chứng để xác định đúng hay sai.

Hồ Chí Minh và Phan Bội Châu


Đây là một mối quan hệ gây ra nhiều tranh cãi nhất. Người chống cộng và không ưa ông Hồ thì cho rằng ông Hồ đã bán ông Phan Bội Châu cho Pháp để lấy tiền. Nhưng bằng chứng mà họ đưa ra thì quả là không có gì thuyết phục. Trong sách “Ho Chi Minh”, Duiker mô tả sự việc như sau:


Ở Hàng Châu (Hangzhu), Phan Bội Châu theo dõi một cách lí thú sự xuất hiện của nhóm Việt Nam Thanh niên Cách mệnh Đồng chí Hội (Revolutionary Youth League). Nguyễn Ái Quốc hứa với Phan Bội Châu rằng anh sẽ báo tin cho nhà yêu nước lão thành thường xuyên về những hoạt động của anh ta, và hai người đồng ý rằng Phan Bội Châu sẽ sắp đặt đi thăm Quảng Đông (Canton) vào mùa hè năm 1925. Trong một lá thư gửi cho Nguyễn Ái Quốc vào đầu năm 1925, Phan Bội Châu ca ngợi sự hiểu biết rộng và kinh nghiệm trong hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, và bày tỏ sự hài lòng của mình rằng về triễn vọng một người trẻ có thể tiếp tục công việc của ông trong lúc ông đang ở tuổi già bóng xế. Song, Phan Bội Châu cũng bày tỏ ý muốn tham gia vào hoạt động của phong trào do Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo. Tuy nhiên, trong một thư cho Hồ Tùng Mậu, một người đồng chí của Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu khuyên các nhà yêu nước trẻ không nên hành động quá hấp tấp.


Nhưng trước khi chuẩn bị cho chuyến đi Quảng Đông, Phan Bội Châu phàn nàn rằng Nguyễn Ái Quốc có vẻ phớt lờ ông. Giữa tháng 5 năm 1925, Phan Bội Châu rời Hangzhou trên một chuyến xe hoả đi Thượng Hải, nhưng Nhà cầm quyền Pháp ở Trung Quốc đã biết được kế hoạch của chuyến đi qua một người chỉ điểm nằm trong nhóm người tùy tùng của ông. Khi vừa đến ga xe hỏa Thượng Hải, Phan Bội Châu bị công an Pháp [giả dạng tài xế taxi] bắt và giải về Hà Nội để đưa ra tòa vì tội mưu phản (treason).


Đây là một đoạn lịch sử gây ra nhiều tranh cãi lâu dài sôi nổi giữa các phe phái chính trị Việt Nam. Ngay từ lúc đầu sau khi nghe tin Phan Bội Châu bị bắt, nhóm Việt Nam Thanh niên Cách mệnh Đồng chí Hội nghi ngờ Nguyễn Thượng Huyền (lúc đó giữ chức thư ký riêng của Phan Bội Châu) là thủ phạm. Trong hồi ký, Phan Bội Châu cũng nghi ngờ Nguyễn Thượng Huyền là người chỉ điểm. Nhưng một số người không cộng sản cho rằng Lâm Đức Thụ, hoặc Hồ Chí Minh là người phản bội, đã báo cho mật thám Pháp bắt Phan Bội Châu để lấy tiền. Một số tác giả Tây phương cũng lập lại lời cáo buộc này, dù không có bằng chứng cụ thể nào được trưng dẫn. Phía người cộng sản thì trước sau vẫn khăng khăng cho rằng Nguyễn Thượng Huyền là thủ phạm, vì Nguyễn Thượng Huyền sau này rời bỏ hàng ngũ cách mạng và ra làm việc cho Pháp.


Cuộc tranh cãi nổ ra chủ yếu trên lằn ranh ý thức hệ. Tài liệu từ văn khố Pháp không cho người ta một kết luận chắc chắn được; nhưng các tài liệu này cho thấy rõ rằng Nguyễn Ái Quốc không có dính dáng vào vụ Phan Bội Châu bị bắt. Có thể (chỉ “có thể” thôi) Lâm Đức Thụ là người chỉ điểm, bởi vì Thụ đã từng đóng vai trò một thành viên trong Việt Nam Thanh niên Cách mệnh Đồng chí Hội và có tin là sau này ông ta thừa nhận trách nhiệm trong vụ bắt Phan Bội Châu. Tuy nhiên, đó chỉ là giả định, và giả định này cũng không có giá trị gì đáng kể. Theo báo cáo của Sureté (Cơ quan Mật vụ Pháp) viết lúc sự việc xảy ra thì có một người chỉ điểm cho Pháp, đoán chừng là Nguyễn Thượng Huyền, sinh sống trong nhà của Hồ Hắc Lãm ở Hàng Châu. Có thể người này mới biết rõ đường đi nước bước của Phan Bội Châu mà báo cho Mật thám Pháp. Lâm Đức Thụ nổi tiếng là một người hay khoe khoang, khoác lác, và có thể đã xung phong nhận công trong vụ bắt cụ Phan Bội Châu để thổi phồng sự quan trọng của anh ta mà thôi. Tóm lại, tài liệu Pháp cho thấy có thể Nguyễn Thượng Huyền là người đã phản bội cụ Phan Bội Châu.


Ông Duiker lí giải rằng trong bất cứ tình huống nào, sự kiện Phan Bội Châu bị Pháp bắt không đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một lợi ích nào. Điều này không phải để phủ nhận rằng Nguyễn Ái Quốc không phản bội Phan Bội Châu, nếu việc bắt ông phục vụ cho lợi ích cách mạng. Giá trị chính trị của Phan Bội Châu bị hạn chế vì tuổi tác và sự kém tinh tế trong hoạt động chính trị, cũng như đường lối đấu tranh bất bạo động của ông. Cho đến năm 1825, Phan Bội Châu chỉ là một biểu tượng cho Chủ nghĩa Dân tộc Việt Nam hơn là một người thực sự tham dự vào phong trào kháng chiến. Sự phẫn nộ của quần chúng qua việc bắt ông càng làm cho chính nghĩa của nhóm cách mạng lên cao. Mặt khác, Việt Nam Thanh niên Cách mệnh Đồng chí Hội không khai thác nhiều về sự kiện Phan Bội Châu bị bắt, mà chỉ tiếp tục ca ngợi sự hi sinh cao cả của Phạm Hồng Thái, người được lấy làm tấm gương để Hội tuyển mộ thêm tình nguyện viên ở Quảng Đông.


Một số người cho rằng có thể Nguyễn Ái Quốc phản bội Phan Bội Châu vì cần tiền để hoạt động. Điều này cũng đáng để điều tra thêm, và không nên chấp nhận hay bác bỏ một cách hấp tấp. Trong thực tế, Nguyễn Ái Quốc chỉ có một số tiền nhỏ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc để hoạt động, và thỉnh thoảng ông phải dùng tiền túi để phụ thêm. Mặt khác, Nguyễn Ái Quốc cần phải bảo vệ uy tín của mình, không thể để cho Pháp dùng sự phản bội, nếu có, để bêu xấu trước ông trước công chúng và đồng chí. Nói tóm lại, Nguyễn Ái Quốc muốn thấy Phan Bội Châu tự do để phục vụ như một lãnh tụ tượng trưng để cho Nguyễn Ái Quốc có thêm uy tín nhằm huy động quần chúng cho mục tiêu cách mạng của ông ta. Ngay cả khi ở tuổi già và bị quản thúc tại gia, Phan Bội Châu lúc nào cũng tỏ ra kính nể Nguyễn Ái Quốc và chưa bao giờ nghi ngờ Nguyễn Ái Quốc phản bội mình.


Nguyễn Ái Quốc và bản kiến nghị

Ngày 18 tháng 6 năm 1919, Nguyễn Tất Thành thảo một bản kiến nghị 8 điểm lên chính phủ Pháp, yêu cầu Pháp áp dụng lý tưởng của Tổng thống Wilson (Mỹ) cho các thuộc địa của Pháp, trong đó có Việt Nam. Bản kiến nghị được viết bằng một giọng văn ôn hòa, và không đề cập đến vấn đề độc lập quốc gia, nhưng đòi hỏi quyền tự trị cho người Việt Nam, truyền thống dân chủ, tự do họp hội, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do đi lại, bình đẳng giữa người Việt Nam và người Pháp, xoá bỏ thuế muối, á phiện, rượu, và ân xá cho tù nhân chính trị. Người ký tên bản kiến nghị là “Nguyễn Ái Quốc,” với địa chỉ tại số 56 Rue Monsieur-le-Prince, đại diện cho Hội Người An Nam tại Pháp.


Tuy nhiên, tác giả thực sự của bản kiến nghị này vẫn còn trong vòng tranh cãi. Một số người cho rằng Nguyễn Tất Thành lúc đó chưa đủ trình độ Pháp văn để thảo một bản kiến nghị như thế, và có thể Phan Văn Trường (một luật sư và là người trong Hội Người An Nam tại Pháp) soạn thảo. Nhưng Hồ Chí Minh thì tự nhận mình là tác giả và chính là người thảo bản kiến nghị đó, nhưng ông cũng nói thêm là có sự giúp đỡ của Phan Văn Trường.


Đối với giới nghiên cứu sử nước ngoài thì vấn đề Nguyễn Tất Thành có phải là tác giả của bản kiến nghị hay không là điều không quan trọng. Điều quan trọng là chính Nguyễn Tất Thành là người chịu trách nhiệm phổ biến bản kiến nghị, chính Thành là người cầm bản kiến nghị đem đến tận tay các chính khách trong Điện Versailles, và cũng chính Thành là người phổ biến bản kiến nghị trên tờ L’Humanité, một tờ báo cấp tiến có lập trường ủng hộ xã hội chủ nghĩa. Nguyễn Tất Thành cũng là người tổ chức phân phối bản kiến nghị này đến hơn 6000 thành viên trong Tổng Công đoàn Pháp. Điều đó cho thấy Nguyễn Tất Thành là nhà cách mạng dám nói dám làm.

Hồ Chí Minh và Tăng Tuyết Minh
 Tính đến mùa xuân năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã lưu lại ở Quảng Đông hơn hai năm. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một một thành viên nổi tiếng và có uy tín trong những người hoạt động cách mạng, và đã có quan hệ mật thiết với Chu Ân Lai và một số thành phần khuynh tả của Quốc Dân Đảng Trung Quốc. Cuộc sống của ông lúc này tương đối ổn định, và có lẽ vì lí do này, ông có ý định lập gia đình. Nguyễn Ái Quốc bàn với Lâm Đức Thụ về ý định lập gia đình, và nhờ Thụ tìm làm mai mối.


Sau đó một thời gian, vợ của Lâm Đức Thụ giới thiệu cho Nguyễn Ái Quốc một phụ nữ trẻ tên là Tăng Tuyết Minh, con gái của một gia đình buôn bán giàu có trong vùng. Thân mẫu của Tuyết Minh là vợ thứ ba của thân phụ cô ta, vì thế cô không được yêu quí trong gia đình. Sau khi thân phụ của Tuyết Minh qua đời, cô bị đuổi ra khỏi nhà. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng như thế, khi được vợ của Lâm Đức Thụ mai mối cho Nguyễn Ái Quốc, Tuyết Minh nhận lời ngay. Tuy nhiên, Tuyết Minh là người ít học, do đó một số đồng chí của Nguyễn Ái Quốc tỏ vẻ không đồng ý cho cuộc hôn nhân này. Mẹ của Tăng Tuyết Minh cũng không hài lòng vì thấy Nguyễn Ái Quốc là một nhà cách mạng, nay đây mai đó, và sợ con gái bà sẽ khổ vì phải xa cách chồng. Nhưng người anh cả của Tăng Tuyết Minh thì lại rất thích Nguyễn Ái Quốc và khuyến khích cuộc hôn nhân. Sau ngày thành hôn, hai vợ chồng Tăng Tuyết Minh và Nguyễn Ái Quốc sống chung trong một villa của Borodin. Nhưng sáu tháng sau khi thành hôn, khi nghe tin công an ruồng bắt, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Quảng Đông [bỏ lại vợ] bằng xe hỏa để đi Hồng Kông.


Quan hệ giữa Tăng Tuyết Minh và Nguyễn Ái Quốc trong thời gian sau đó không được rõ ràng. Có thể là kể từ ngày Quốc rời Quảng Đông, mối tình coi như chấm dứt. Tuy nhiên, sau khi rời Quảng Đông một năm, Nguyễn Ái Quốc có viết cho Tăng Tuyết Minh một lá thư riêng mà Lâm Đức Thụ trao lại cho mật thám Pháp; trong thư, Quốc viết: “Tuy rằng chúng ta đã xa cách nhau gần một năm rồi, tình cảm chúng ta dành cho nhau vẫn còn nguyên vẹn, dù không nói ra. Anh muốn nhân cơ hội này gửi đến em vài lời cam đoan và mong em vững lòng. Anh cũng muốn nhờ em gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến mẹ em.” Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy hai người tình cờ gặp nhau ở Hồng Kông vào năm 1930.


Theo một sử gia người Trung Quốc, sau này khi cách mạng thành công và trở thành chủ tịch nước, ông Hồ Chí Minh có tìm cách liên lạc với Tăng Tuyết Minh, nhưng mọi thư từ đều không tới tay bà.
 Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Minh Khai

Năm 1931, lúc còn lưu lại ở Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc hình như bắt đầu một cuộc tình mới với một phụ nữ người Việt Nam trong nhóm cách mạng của ông. Người phụ nữ đó là Nguyễn Thị Minh Khai, là chị của Nguyễn Thị Minh Thái. (Minh Thái là vợ của tướng Võ Nguyên Giáp, một đồng chí trẻ tuổi của Hồ Chí Minh). Minh Khai là một phụ nữ trẻ đẹp, lanh lợi, thông minh, và rất nhiệt tình với cách mạng. Minh Khai xuất thân từ một gia đình có tiếng ở Hà Đông, là con của cụ Nguyễn Văn Bình, một nhà nho đậu phó bảng, nhưng sau này làm công chức cho Pháp. Mối tình giữa Minh Khai và Nguyễn Ái Quốc không được rõ ràng, và bằng chứng còn lại chỉ là gián tiếp, chứ không cụ thể. Trong một lá thư viết cho Noulens, Nguyễn Ái Quốc xin phép làm lễ thành hôn với Minh Khai, song Noulens trả lời là ông ta cần phải biết trước hai tháng để chuẩn bị. Tuy nhiên, sau đó không lâu, Minh Khai đã bị cảnh sát Anh bắt vì tội lật đổ chính quyền. Sau khi bị giam vài tháng, và không đủ chứng cớ, Minh Khai được trả tự do. Sau này, Nguyễn Thị Minh Khai lập gia đình với Lê Hồng Phong (một cán bộ cao cấp trong Đảng Cộng sản Đông dương) tại Moscow.


Mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thị Minh Khai là một khía cạnh không rõ ràng trong cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc. Không có một tài liệu chính thức nào từ Moscow, Trung Quốc, hay Hồng Không để có thể kết luận rằng hai người là chồng vợ. Tuy nhiên, một số thư từ và báo cáo mật trong nội bộ Đảng Cộng sản Đông dương đề cập đến Nguyễn Thị Minh Khai như là “la femme de Quoc,” và dữ kiện này cho các nhà sử học Tây phương một chứng cớ để cho rằng hai người có quan hệ tình cảm. Trong một tờ khai lí lịch đảng viên [bằng tiếng Nga] của Nguyễn Thị Minh Khai còn lưu trữ tại Moscow, trong phần gia đình, bản lí lịch ghi chồng là Nguyễn Ái Quốc, nhưng có dấu viết gạch bỏ lời khai này.
Hồ Chí Minh và những tin đồn một vài tin đồn cho rằng khi đến Moscow, Nguyễn Ái Quốc được Trung ương Comintern (Cộng sản Quốc tế) “cho” một bà vợ người Nga và hai người đã sinh một người con gái. Tuy nhiên, đây chỉ là tin đồn, hoàn toàn không có bằng chứng hay dữ kiện gì để kiểm chứng nó đúng hay sai.


Trong cuốn sách “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, tác giả cho biết ông Hồ còn có quan hệ với một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Xuân, và sau này bị Trần Hoàn, Bộ trưởng Nội vụ, chủ mưu giết chết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một đồn đại, mà bằng chứng thì hoặc mâu thuẫn, hoặc không rõ ràng, thậm chí có người còn dựng chuyện để xuyên tạc ông Hồ. Có thể nói ngay rằng câu chuyện cô Xuân và ông Hồ không có xuất xứ rõ ràng, bởi vì không ai biết tác giả của nó là ai. Trong bài viết của Nguyễn Minh Cần, ông cho biết là ông lấy thông tin từ lời kể của Vũ Thư Hiên, và từ một số người mà ông viết là “người ta kể cho tôi,” trong đó, có thể kể cả “một bức thư dài 5 trang đánh máy của ngừơi chồng chưa cưới của cô Vàng đã bị giết, viết ngày 29 tháng 7 năm 1983” nhưng ông không được quyền công bố bức thư này! Còn ông Vũ Thư Hiên thì chỉ viết theo lời kể của ông Nguyễn Tạo và một số lời nói của ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên bí thư riêng của ông Hồ (ông Huỳnh còn là thân phụ ông Vũ Thư Hiên). Như vậy, có thể nói câu chuyện chỉ là một giai thoại, như hàng ngàn giai thoại khác, bởi vì câu chuyện nguyên thủy chỉ là những lời kể chuyện, lưu truyền gián tiếp trong những người quen. Bởi vì không ai xác định được tác giả là ai, nên không ai biết chắc một cách chính xác câu chuyện xuất phát từ đâu, mục đích của nó là gì, những giả định trong câu chuyện là gì, và nhất là hoàn toàn không có một bằng chứng nào nhất quán với quan điểm hay nhận xét của hai ông Vũ Thư Hiên và Nguyễn Minh Cần.


Ngoài ra, trong cuốn hồi kí ngắn, “Dọc đường gió bụi,” ông Trần Trọng Kim viết rằng ông Hồ còn có quan hệ tình cảm và có con với một người tên là Đỗ Thị Lạc. Tuy nhiên, Trần Trọng Kim cũng không đưa một bằng chứng nào để người đọc có thể đánh giá sự chính xác của lời phát biểu.

Vài hàng nhận xét

Theo người viết bài này, người viết sử có ba mục tiêu cao quí: ghi lại những gì đã xảy ra trong quá khứ; xây dựng một hệ thống tri thức về quá khứ; và nghiên cứu quá khứ bằng các phương pháp khoa học khách quan. Cuốn “Ho Chi Minh” của Tác giả William Duiker hoàn thành những mục tiêu này một cách xuất sắc. Qua cuốn sách này, Duiker đã làm sống lại cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh một cách trung thực, trung thực hơn bất cứ cuốn sách nào về ông mà người viết đã từng đọc qua. Cuốn sách đã được các nhà nghiên cứu sử đánh giá cao. Trong phần điểm sách của Tạp chí Kirkus Review, một tác giả viết, “Đây là một công trình xuất sắc, một cuốn tiểu sử công bằng về một lãnh tụ cộng sản. Những ai nghiên cứu về thế kỷ 20 cần phải đọc cuốn sách này để hiểu bằng cách nào mà một cá nhân có thể làm gương và khai sinh một quốc gia.”


Đọc qua cuốn sách này, người ta thấy được một điều nổi bật là tính chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp của soạn giả được biểu hiện qua sự thận trọng trong việc dùng và đánh giá tài liệu. Cái phong cách nghiên cứu sử của ông Duiker đáng để cho những người viết về ông Hồ học theo. Ông Duiker cẩn thận ghi chép và kiểm tra sự chính xác của sử liệu, ông không dùng loại sử liệu hạng hai (tức chỉ nghe lại) để phán xét. Tuy thế, cuốn sách của William Duiker không phải hoàn hảo (vì có một số chi tiết, tên của vài nhân vật, cấp bậc quân đội, v.v… trong sách không đúng), nhưng may mắn thay, những nhầm lẫn này không ảnh hưởng đến những nhận xét và sự thật quan trọng trong sách.


Đọc xong cuốn sách của Duiker, người viết cảm thấy thất vọng đối với giới viết sử gốc Việt ở hải ngoại, những người được giới thiệu như là những “học giả”. Hình như phần đông những “học giả” này chưa (hay không) được huấn luyện có hệ thống về sử học, hay có được huấn luyện nhưng ở trình độ thấp, nên họ thiếu khả năng nghiên cứu và suy luận. Ngoài ra, do vấn đề thiếu thốn tài liệu, hay do tính lười biếng tri thức, nên họ thường dùng tài liệu mà chính họ cũng không kiểm tra được. Cộng vào đó là vấn đề để cho cảm tính chi phối trong việc viết lách, và hậu quả là phần đông các “học giả” loại này đều bị rơi vào cạm bẫy của ngụy biện, mà có khi chính họ cũng không biết.


Mức độ khác nhau về lý trí giữa người đọc không cao, nhưng sự khác biệt về nhận định của họ bị chi phối một phần lớn ở dữ kiện được trình bày trước họ. Và có lẽ đây là một đóng góp lớn của ông William Duiker và cũng là một bài học cho giới báo chí Việt ngữ hải ngoại. Ông Duiker, trong trường hợp ông không rút ra được kết luận, ông cẩn thận trình bày dữ kiện để người đọc tự đánh giá lấy, mà không tìm cách ảnh hưởng cảm nhận của người đọc. Ngược lại, nhìn qua cách tiếp nhận và phân phối thông tin trong báo chí Việt ngữ ở hải ngoại, người ta có thể nói rằng mục đích chính của báo chí Việt ngữ hải ngoại là chỉ cung cấp thông tin sao cho cộng đồng người Việt có một thái độ chống ông Hồ, chống cộng sản, chứ không phải cung cấp thông tin đầy đủ để cho người đọc am hiểu sự việc và xây dựng được những ý kiến đúng đắn.


Tóm lại, cuốn “Ho Chi Minh” là một cuốn sách đứng đắn nhất và nghiêm túc nhất về Hồ Chí Minh, một nhân vật lịch sử quan trọng không những của Việt Nam mà còn của thế giới. Cuốn sách rất xứng đáng có mặt trong tủ sách của những người nào quan tâm đến, hay những người nào muốn tìm hiểu về, một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam cận đại, và một nhân vật đóng vai trò then chốt trong giai đoạn lịch sử đó: Hồ Chí Minh.
Trích nguyên văn:thông tin trên Amazon




1 comments

Nặc danh lúc 08:35 4 tháng 6, 2011

Cô sưu tầm ở đâu mà nhiều tác phẩm hay quá cô ơi. Nương thích lắm ạ.

Reply
[▼/▲] Emoticons

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để gửi Nhận xét đến trang blog của tôi. Hy vọng bạn vẫn thường xuyên đóng góp để blog ngày càng phong phú hơn !
Tác giả : NGQ